Hội thảo Tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm.
Đây là chủ đề trong buổi hội thảo của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam và Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương tổ chức sáng (18.12) tại Hà Nội.
Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí những năm gần đây đã có mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp ngành này đã đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp; giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng thực có của các doanh nghiệp cơ khí, phần lớn các lĩnh vực chưa đạt được chỉ tiêu đề ra cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, cụ thể trong năm 2013, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước.
Nguyên nhân được đưa ra là do việc thực thi các cơ chế chính sách còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế. Vai trò quản lý, kiểm tra, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí của các cơ quan quản lý còn nhiều bất cập.
Do đó, hội thảo là diễn đàn quan trọng để các doanh nghiệp, các đối tác nước ngoài và các địa phương có cơ hội gặp gỡ, trao đổi về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18.6.2014 về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển của ngành cơ khí Việt Nam. Hội thảo còn tập trung thêm vào việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16.1.2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Tại hội thảo, các đơn vị liên quan cũng như các đại diện doanh nghiệp cơ khí đã có những tham luận, góp ý về các vấn đề nóng gồm: Các khó khăntrong việc thu xếp nguồn tín dụng ưu đãi cho các dự án cơ khí trọng điểm; Việc thực hiện quy định về việc chỉ định thầu và giao thầu sản phẩm cơ khí trọng điểm theo quy định; Vướng mắc trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước đối với các gói thầu và dự án có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên. Ngoài ra, các giải pháp về chính sách tạo đơn hàng cho các doanh nghiệp cơ khí, những chính sách bảo hộ cho sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay và các cơ chế hỗ trợ cần thiết khác cho lĩnh vực này cũng sẽ được đề cập.
Theo Laodong.com.vn